Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 4, 01/05/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

Sự nghiệp trồng người 

Có lẽ không ở đâu "biện chứng” về "cái tất nhiên thông qua cái ngẫu nhiên mà biểu hiện” lại sống động và giàu sức thuyết phục bằng sự kiện ngày khai trường trên cả nước diễn ra sau Quốc khánh 2-9. Việc mở đầu một năm học sau kỳ nghỉ hè vào tháng 9 trùng hợp với ngày 4-9 hằng năm là một "ngẫu nhiên”.
 
Nhưng nếu ngẫm sâu vào triết lý của nó thì đây lại là một "tất nhiên”. Bởi lẽ, sự hy sinh của những bậc cha anh chỉ có ý nghĩa khi đó là những ngọn lá rụng xuống để vun bón cho cây đời của Tổ quốc xanh tươi như lời một chiến sĩ yêu nước Pháp nhắn gửi đồng đội của mình trước lúc nhắm mắt! Bao nhiêu núi xương sông máu trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Việt Nam để làm gì, nếu không phải để cho con em họ được sống một cuộc đời đáng sống, như cái cây được mọc thẳng, đơm hoa kết trái trên mảnh đất thấm đẫm máu và mồ hôi của ông cha.

 
"Để cho trẻ sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của nó, sau lớn lên nó sẽ sống đời người lớn một cách hoàn toàn đầy đủ”*. Đừng quên các cụ ta từng giảng đại học là cái học để làm người lớn [đại học giả đại nhân chi học dã]. Không có hình ảnh nào đẹp và xúc động lòng người bằng hình ảnh trẻ em tung tăng đến trường. Càng thấy hình ảnh đó cao cả và lay động hơn khi hiểu rằng "Thời tiểu học là thời hình thành nhân cách, với chất người và chất cá nhân, làm nên cái gốc văn hóa của đời người. Từ 0 đến 11/12 tuổi, em có chất văn hóa gì thì sau này văn hóa cá nhân em đặc trưng bởi tính chất ấy”**.

 
Quả vậy, trong gốc gác của khái niệm "văn hóa” đã có ý nghĩa vun trồng. Từ ngữ "cultus”, trong gốc Latinh có nghĩa là gieo trồng, bởi thế mà nhà triết học phương Tây Thomas Hobbes thế kỷ XVII chỉ rõ "Lao động giành cho đất gọi là sự gieo trồng, và sự dạy dỗ trẻ em gọi là gieo trồng tinh thần”. Trước đó hai nghìn năm, ở phương Đông, Quản Trọng thời Xuân Thu đã từng khuyến cáo: "Kế một năm, chi bằng trồng lúa. Kế mười năm, chi bằng trồng cây. Kế trọn đời, chi bằng trồng người”. Còn ở ta, danh sĩ triều Nguyễn thế kỷ XVIII Nguyễn Văn Siêu đòi hỏi việc đào luyện nhân tài cho đất nước thì "cần phải thăm dò cái gốc của nó, lại phải tưới tắm cho cái ngọn của nó, mở rộng cái nguồn của nó, lại phải buông lơi cái dòng của nó”.

 
Gần gũi dung dị hơn, song lại thăm thẳm chiều sâu triết lý thì lại ẩn kín trong câu tục ngữ quen thuộc "người ta là hoa của đất”! Có sự ví von giàu chất nhân bản nào đọ sức nổi với hình tượng thấm đẫm chất thơ này không? Chính đây là điểm tựa để Nguyễn Trãi khẳng định "nước ta vốn xưng văn hiến đã lâu”! Văn hiến nằm trong chiều sâu nhân bản và nền tảng nhân văn Việt Nam, đó chính là "cái gốc văn hóa của đời người”.

 
Không chăm lo cái gốc đó mà chỉ tỉa tót cái ngọn để có ngay bóng mát, chắp vá những giải pháp vụn vặt trong việc gặt hái để có hoa, có quả mà nhìn ngắm và dâng hiến, thì khó để cho sự nghiệp trồng người đem lại hiền tài cho đất nước, bồi đắp "nguyên khí” cho quốc gia. Chỉ nói đến một cái khẩu hiệu với nội dung lạc điệu kiểu "ăn xổi ở thì”- "tiên học lễ, hậu học văn” - vẫn nghễu nghện căng lên gần hai thập kỷ nay, như thách thức xã hội vẫn chưa thấy cất bỏ, nói chi đến những chuyện gay cấn khác.

 
Quả đúng là "tô sức ở bên ngoài thì bên trong tàn tạ. Vun đắp bên trong thì bên ngoài tốt tươi….Cái lớn thì đủ sức bao dung cái nhỏ, mà cái nhỏ không đủ sức nâng đỡ cái lớn” như cảnh báo của danh sĩ triều Nguyễn vừa dẫn. Cái gốc văn hóa để từ đó con người " sống đời người lớn một cách hoàn toàn đầy đủ” phải do toàn xã hội chăm lo chứ không thể phó mặc cho hệ thống giáo dục và đào tạo mặc dù hệ thống này không thể thoái thác trách nhiệm chính. Suy đến cùng, văn hóa vẫn là nhân tố quyết định nhất. Nhân ngày khai trường, xin nhắc lại khuyến cáo của văn hào Nga M.Gorki: "Tổ quốc sẽ ít bị đe dọa hơn nếu có nhiều văn hóa hơn”!

theo đại đoàn kết

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển